Emotional Salary là gì? Khi lương cao không còn hấp dẫn bằng "lương tinh thần" | Vietcetera
Billboard banner

Emotional Salary là gì? Khi lương cao không còn hấp dẫn bằng "lương tinh thần"

Cuối cùng thì tiền cũng không mua được hạnh phúc. Vậy cái gì mới mua được hạnh phúc?
Emotional Salary là gì? Khi lương cao không còn hấp dẫn bằng "lương tinh thần"

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Nghiên cứu từ Achievers Workforce Institute (AWI) 2024 cho biết, có đến 72% người lao động sẵn sàng chọn công việc dựa theo Emotional Salary (Mức lương cảm xúc) nơi họ được “trả về” sự công nhận, thoải mái và tôn trọng mỗi tháng, thay vì lương cao nhưng thiếu sự gắn kết.

Giữa thời đại Gen Z đi làm với nhiều mối quan tâm về sức khỏe tâm lý, “mức lương cảm xúc” được dự đoán sẽ lên ngôi đặc biệt ở những môi trường sáng tạo. Kiểu tài sản vô hình này có gì mà thu hút đến vậy?

Emotional salary là gì?

Emotional salary (tạm dịch: mức lương cảm xúc) là những phúc lợi cảm xúc vô hình mà tiền bạc không bù đắp được cho người lao động. Lương cảm xúc sẽ đáp ứng mọi nhu cầu tâm lý cơ bản của con người, cho bạn cảm giác tự do bộc bạch và có “bệ đỡ” an toàn tâm lý ở công sở.

Một số ví dụ của mức lương cảm xúc:

  • Sếp nhắc nhở sức khỏe khi thấy bạn đều đặn gửi file lúc… 3h sáng.
  • Sếp công nhận cống hiến thầm lặng của bạn, cả những sự chu đáo nhỏ lẻ bạn “làm thêm” cho team. Ví dụ như thiết kế slide và chỉnh lỗi font giúp đồng nghiệp để tất cả đều trọn vẹn.
  • Đồng nghiệp chú ý sắc mặt của bạn và hỏi thăm bạn ổn không sau giờ làm.

Vì sao mức lương cảm xúc giúp bạn "ấm êm" hơn cả mức lương thực?

Tạo vòng lặp hạnh phúc: Từ tinh thần thoải mái đến hăng hái công việc

Theo tờ Medium, một mức lương công bằng cùng sự an toàn tâm lý sẽ tạo ra một “vòng tuần hoàn” lý tưởng cho mọi người lao động.

Tại đó, nhân sự cảm thấy được hòa nhập, tôn trọng và muốn cống hiến, càng cống hiến họ càng phát triển cả bản thân và tập thể, từ đó gia tăng mức độ hài lòng công việc, cho họ phần thưởng xứng đáng và vòng tuần hoàn lại tiếp tục xảy ra.

alt
Những ý tưởng xuất sắc nhất cũng dễ ra đời hơn khi nhân sự được “sống” trong vòng lặp hạnh phúc này.

Những ý tưởng xuất sắc nhất cũng dễ ra đời hơn khi nhân sự được “sống” trong vòng lặp hạnh phúc này. Vì thế mức lương cảm xúc không dừng ở một khái niệm, nó còn là chiến thuật chiêu mộ nhân tài của ngành Nhân sự khắp thế giới.

Dành hầu bao cảm xúc cho những nguồn thu nhập khác sau giờ làm

So với một công việc lương hậu hĩnh nhưng một phần lương bạn dành đi… trị liệu tâm lý, các nhân sự ngày nay có xu hướng ưu tiên công việc lương chưa cao nhưng tinh thần phơi phới, hạnh phúc và thỏa mãn cảm xúc hơn.

Nói cách khác, nhân sự xem mức lương cảm xúc như một khoảng bù đắp tinh thần hậu hĩnh cho sức lao động họ bỏ ra. Nhờ tinh thần thoải mái, bạn không dễ kiệt sức sau 8 tiếng đi làm. Bạn sẽ dự trữ thêm năng lượng "sống" cuộc sống riêng, làm side-hustle, và nhanh tái tạo năng lượng để trở lại vào hôm sau.

Kết quả là bạn vừa hài lòng thu nhập, vừa thả lỏng tinh thần trước khi lên giường ngủ khép lại mỗi ngày.

3 Dấu hiệu nhận biết công ty bạn đang đáp ứng đủ “mức lương cảm xúc”

Công ty “nói là làm”, nhất quán trong quyền lợi với nhân viên

Thống kê từ Fast Company cho biết có đến… 82% nhân sự Mỹ không tin vào những châm ngôn có cánh hay hứa hẹn phúc lợi mà công ty họ đề ra.

Ví dụ, công ty định hướng tôn trọng phát triển con người nhưng cấp trên lại phớt lờ nỗ lực của bạn, điều này tạo ra sự mâu thuẫn giữa nói và làm của doanh nghiệp. Kết quả là, những nhân sự tài năng nhất lần lượt rời đi, tìm kiếm môi trường họ thực sự tin tưởng.

alt
Lời nói và hành động của công ty cần nhất quán để gây dựng độ tin tưởng ở nhân viên.

Một công ty nhất quán trong lời hứa và hành động, cũng giúp tăng mức độ cam kết (job commitment) của nhân viên gấp 9 lần, cho họ bệ phóng vững chắc để tiếp tục cống hiến.

Cấp trên trân trọng và biến đóng góp vô hình của bạn thành hữu hình

“Cám ơn em đã tham gia họp nhé, năng lượng tích cực của em giúp chị thoải mái nảy ý tưởng hơn đấy” - bạn đã từng nghe những câu nói mà ấm lòng cả ngày?

Tuy bâng quơ nhưng lại có sức tác động mạnh mẽ, đây chính là những biểu hiện rõ ràng nhất của mức lương cảm xúc. Vì là cảm xúc, chúng không thể được đo đếm bằng bất kỳ nấc thang nào, mà trực giác bạn sẽ mách bảo khi bạn thực sự cảm nhận sự an toàn.

Nhỏ mà có võ, những mẫu hội thoại lành mạnh này lặp lại thường xuyên sẽ giúp củng cố hiệu suất công việc, mức độ cam kết, và cảm giác muốn gắn bó lâu dài từ nhân viên. Nhân viên còn giảm 22% cảm giác muốn “nhảy việc vì lương thấp”, sau khi họ nhận được sự công nhận nhỏ lẻ mỗi ngày từ người họ nể trọng.

Đồng đội chất lượng không bao giờ bỏ bạn

Một đồng nghiệp thuộc “gu” đặt cafe của bạn mỗi sáng. Một người em công sở để ý bạn khóc trong nhà vệ sinh. Một đồng đội sẵn sàng ngồi hàng giờ lắng nghe bạn kể chuyện.

Những mối quan hệ ý nghĩa này đóng vai trò không hề nhỏ trong việc định hình hình ảnh công ty trong lòng bạn. Bạn sẽ nghĩ đến họ khi bạn nghĩ đến công ty, và cảm giác hạnh phúc này giúp trải nghiệm công sở của bạn trọn vẹn. Kết quả là dù chuyên môn chưa thỏa mãn, ít nhất bạn có điểm tựa tinh thần vững chắc để mỉm cười khi nghĩ về.

Chúng ta dành hơn 8 tiếng mỗi ngày gặp gỡ và tương tác ở văn phòng. Ngoài yếu tố công việc, mảnh ghép “con người” chính là át chủ bài gắn kết bạn và công ty.

Khác với mức lương thực tế nơi ta đo đếm bằng số liệu, mức lương cảm xúc nên xuất phát từ chính nấc thang cảm xúc của bạn. Chính bản thân bạn sẽ có đánh giá chính xác nhất kho lương cảm xúc mình nhận được.

Hy vọng những “insight” từ bài viết sẽ giúp bạn đánh giá khách quan hơn chất lượng công việc, cũng như trân trọng bất kỳ một khoảng lương cảm xúc nào mình nhận được từ công ty.