Chọn học gì khi có quá nhiều thứ để học? | Vietcetera
Billboard banner

Chọn học gì khi có quá nhiều thứ để học?

Bài viết này mình giới thiệu mô hình "hệ sinh thái kỹ năng", giúp bạn xác định bộ kỹ năng cần thiết cho bất kỳ công việc nào.
Chọn học gì khi có quá nhiều thứ để học?

Nguồn: cottobro/Pexels

Mình đoán là ai cũng đang tự học một thứ gì đó, có thể mục đích là để phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp, hoặc chỉ là để trải nghiệm.

Việc xác định lý do và mục tiêu cho những điều mình chọn học là một bước quan trọng, vì nó sẽ giúp chúng ta bền bỉ hơn trên hành trình tự học dài đằng đẵng, như nhà văn Haruki Murakami từng viết:

“Tôi chỉ có một ít lý do để tiếp tục chạy, và vô số lý do để bỏ cuộc. Tất cả những gì tôi có thể làm là giữ cho một ít lý do đó được đánh bóng đẹp đẽ.”

Sau bài viết tổng quan về hành trình tự học, bài này mình sẽ bắt đầu đi sâu vào bước đầu tiên, là xác định xem nên học gì và chiến lược phát triển kỹ năng.

Xác định vị trí năng lực hiện tại

Trước khi xác định được nên chọn kỹ năng, kiến thức nào để học, thì mình nghĩ cần phải xác định được vị trí năng lực hiện tại của bản thân, bao gồm cả điểm mạnh và điểm yếu của mình.

Chẳng hạn, hãy thử thu thập các dấu hiệu thể hiện năng lực như:

  • Dấu hiệu bên ngoài: chức danh và cấp bậc, kết quả các bài kiểm tra năng lực, các thành tựu, giải thưởng đạt được, phản hồi từ đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng. Ngoài ra còn có những chỉ số đo lường về hiệu quả của công việc, như thời gian hoàn thành, chất lượng kết quả.
  • Dấu hiệu bên trong: các dấu hiệu ở nhóm này khó nhận biết hơn. Để đánh giá bạn có thể dựa vào các ghi chú của bản thân về những lần mắc lỗi, thất bại trong dự án, công việc được giao, những lần cảm giác thấy mình thua kém, thất vọng, hoặc thoả mãn, tự hào trong một khía cạnh nào đó.

Ở bước xác định năng lực này, mình thấy có một hiểu lầm thường gặp. Đó là chúng ta xác định điểm mạnh, điểm yếu của bản thân chỉ thông qua so sánh với người khác. Với mình thì nó không chỉ dừng lại như vậy. Mình sẽ lấy ví dụ thế này.

Mình có 2 đứa em trai. Một đứa cao tầm 1m6, so với bạn này, thế mạnh của mình là chiều cao. Một người em khác cao 1m92, nếu so với bạn thì lúc này chiều cao lại là điểm yếu của mình.

Qua ví dụ này bạn có thể thấy, đúng là so sánh với người khác thì sẽ dễ dàng hơn trong việc thấy được điểm mạnh yếu của bản thân, nhưng nó phải được làm một cách đúng đắn, nếu không điều này sẽ khiến chúng ta bị áp lực - phổ biến nhất là áp lực đồng trang lứa.

Với mình, so sánh một cách đúng đắn hơn ở đây là so sánh giữa những kỹ năng khác nhau của bản thân. Chẳng hạn như giữa các kỹ năng: hát, viết, thiết kế, đá bóng, thì thiết kế và viết là điểm mạnh của mình.

Ngoài ra, thái độ với điểm mạnh và điểm yếu cũng rất quan trọng, vì nó có thể biến điểm mạnh thành điểm yếu và ngược lại.

Ví dụ như hồi đi học điểm mạnh của mình là luôn có nhiều ý tưởng cho các dự án ở trong trường. Nhưng nếu vì thế mà mình chủ quan, không tiếp tục rèn luyện thì sẽ bị dậm chân tại chỗ.

Ngược lại, khi nhận ra điểm yếu của mình là vẽ không bằng như các bạn, và nếu mình rất khao khát tìm đủ mọi cách để khắc phục điểm yếu này, có khi mình lại có thể vẽ tốt lên và biến nó thành điểm mạnh.

Bây giờ, khi đã bắt đầu hòm hòm xác định được vị trí năng lực, điểm mạnh điểm yếu thì sẽ là lúc chúng ta cần xác định chiến lược phát triển cho phù hợp.

Xây dựng hệ sinh thái kỹ năng

Đây là chiến lược của mình, được kế thừa từ nhiều kiến thức về phát triển bản thân mà mình tìm hiểu, thử áp dụng, rồi điều chỉnh lại theo bối cảnh của bản thân. Bạn cũng thử tham khảo và điều chỉnh lại theo nhu cầu của bạn nhé.

Mình tạm đặt tên cho mô hình này là hệ sinh thái kỹ năng, với 3 loại kỹ năng:

  • Kỹ năng giá trị (main skills): là những loại kỹ năng tạo ra được giá trị trực tiếp cho mình và tổ chức.
  • Kỹ năng hỗ trợ (supporting skills): là các kỹ năng cần thiết cho mục tiêu trong công việc, giúp gia tăng giá trị của kỹ năng chính.
  • Kỹ năng liên kết (linking skills): là loại kỹ năng giúp bạn kết nối, tổng hợp các kỹ năng chính và kỹ năng hỗ trợ, giúp bạn hiểu rõ và tương tác tốt hơn với các thành viên khác trong nhóm, cũng như là hiểu sâu hơn về cách kết hợp các bộ phận khác nhau của một dự án.

Ví dụ với hành trình trở thành chuyên gia Product Design của mình, mình đã tự học để xây dựng các bộ kỹ năng như thế này:

  • Kỹ năng giá trị: UX Design, UI Design
  • Kỹ năng hỗ trợ: Tư duy phản biện, giao tiếp, quản lý tác vụ,...
  • Kỹ năng liên kết: Kinh doanh, UX Research, Front-end,...

Để dễ hiểu hơn, mình sẽ lấy thêm ví dụ khác về viết lách - công việc thứ hai của mình. Hiện tại bộ kỹ năng của mình bao gồm:

  • Kỹ năng giá trị: Viết kỹ thuật - là kỹ năng chuyển đổi thông tin chuyên ngành hoặc phức tạp thành văn bản dễ hiểu. Viết sáng tạo - là viết tản văn, thơ, hoặc nội dung có tính sáng tạo cao hơn.
  • Kỹ năng hỗ trợ: Hiện tại thì có 3 kỹ năng được kế thừa từ công việc thiết kế.
    Một là thiết kế hình ảnh cho nội dung mình đã viết. Hai là nghiên cứu và tổ chức thông tin, giúp mình tìm kiếm, sàng lọc và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn. Ba là tư duy phản biện để đánh giá lại giá trị của thông tin.
    Bên cạnh đó còn có các kỹ năng hỗ trợ mới mình đang học thêm đó là rèn luyện giọng nói để thu podcast, chỉnh sửa video để đăng lên các nền tảng khác nhau.
  • Kỹ năng liên kết: hiện tại mình vẫn đang tập trung tự học cho 2 nhóm kỹ năng trên, nhưng trong tương lai có thể mình sẽ cần bổ sung thêm các kỹ năng liên kết như là: lập chiến lược cho từng loại nội dung, hoặc là học thêm kỹ năng tiếp thị cho những loại nội dung đó.
Nguồn cottonbroPexels
Nguồn: cottonbro/Pexels

Khi đã xác định được như vậy thì chúng ta sẽ có cách tiếp cận phù hợp với từng bộ kỹ năng.

Với kỹ năng giá trị, đây chính là những kỹ năng cốt lõi tạo ra chất lượng và sự đặc trưng cá nhân ở mỗi người, không ai thay thế được. Thế nên để phát triển bền vững thì bạn cần phải đào sâu, nắm vững kiến thức và liên tục thực hành để củng cố.

Nếu bạn chưa biết mình phù hợp với kỹ năng giá trị nào, thì hãy trải nghiệm nhiều loại kỹ năng nhất có thể. Rồi từ đó xác định đâu là loại kỹ năng mình thích và đủ năng lực để tạo ra được giá trị trực tiếp trong công việc.

Khi đã xác định được kỹ năng nào rồi thì lúc này cần phải tập trung và cam kết với nó, tránh bản thân bị phân tâm, vì để giỏi và tạo ra nhiều giá trị ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng sẽ cần sự đầu tư thời gian, năng lượng và tâm tư rất nhiều. Kết quả của giai đoạn này là ta phải cực kỳ vững chắc, với nền tảng kiến thức cũng như kinh nghiệm thực hành kỹ năng đó, để giúp mở rộng thêm các cơ hội nghề nghiệp, cũng như có nhiều lợi ích kinh tế hơn.

Khi nhóm kỹ năng giá trị này đã ổn định thì thường sẽ có những dấu hiệu dễ thấy, như được thăng chức, tăng lương, nhận những sự công nhận từ đồng nghiệp và cấp trên. Đồng thời bản thân cũng bắt đầu cảm thấy tự tin hơn khi làm những công việc thuộc về nhóm kỹ năng này.

Với kỹ năng hỗ trợ, thời gian đầu của sự nghiệp, nếu ở trong 1 team hoặc tổ chức, thì chúng ta có thể nhờ những thành viên khác hỗ trợ trước khi bản thân có thể tự học và sở hữu những kỹ năng này. Song song với đó thì cũng không nên quá phụ thuộc, mà nên ưu tiên thực hành tới đâu, thiếu sót chỗ nào thì bổ sung tới đó.

Còn với kỹ năng liên kết, trừ trường hợp bạn có năng lực và điều kiện học tập thật tốt để giỏi được nhiều thứ, thì đối với những kỹ năng này chúng ta chỉ cần biết kiến thức cơ bản là được, không cần phải thực hành. Vì đó có thể là những kỹ năng giá trị của người khác, mà như vậy thì ta có thể thuê, hoặc hợp tác thành đội nhóm với những người có nhóm kỹ năng này. Hiểu biết cơ bản giúp chúng ta biết được tính chất công việc và dễ hợp tác với những đồng đội này hơn.

Câu hỏi thường gặp

Đây có thể sẽ là hai câu hỏi bạn đang có sau khi nghe phần chiến lược vừa rồi.

1. Tôi có thể có nhiều kỹ năng giá trị hơn hay không?

Trả lời: Bạn có thể chọn nhiều kỹ năng để làm kỹ năng giá trị cho mình, với điều kiện bạn thật sự muốn đi chuyên sâu và dành được nhiều thời gian năng lượng để thực hiện được điều đó. Đấy là chưa tính tới liệu bạn có thể làm tốt được một lúc nhiều kỹ năng phức tạp hay không.

Ngoài ra là nếu bạn không thể chuyên sâu hết những kỹ năng bạn đã chọn, có thể bạn sẽ trở thành người có nhiều kỹ năng tổng quát thay vì là một chuyên gia.

Tuỳ chiến lược phát triển mà số lượng kỹ năng chính chỉ tập trung vào 1, hay tăng lên 2 hoặc 3, phụ thuộc nhiều về năng lực học tập của bạn. Trên hành trình trở thành chuyên gia cho một lĩnh vực duy nhất, nếu thấy không hợp bạn cũng có thể thay đổi.

2. Nếu chọn là người có nhiều kỹ năng tổng quát, bộ kỹ năng kia có khác đi hay không?

Trả lời: Vì không cần phải đi quá sâu các kỹ năng giá trị, bạn có thể nhập nó với kỹ năng hỗ trợ để tạo thành bộ kỹ năng giá trị tổng quát. Nghĩa là khi kết hợp với nhau chúng cũng có thể tạo nhiều giá trị tương tự khi đi chuyên sâu vào một loại kỹ năng nào đó.

Ví dụ: bạn kết hợp kỹ năng UI Design tương đối đi kèm với kỹ năng giao tiếp và thuyết trình tốt cũng sẽ giúp bạn "bán" được những ý tưởng của mình một cách dễ dàng hơn. Lúc bấy giờ thời gian, nguồn lực dành cho kiến thức và thực hành của 2 kỹ năng giao tiếp và thuyết trình bắt buộc cũng phải tăng lên.

Trường hợp này thì kỹ năng giá trị vẫn là UI Design, vì đối với một người làm thiết kế thì đây là kỹ năng được công ty trả lương trực tiếp, chứ không phải là kỹ năng giao tiếp hay trình bày, dù cho bạn tự nhận định mình mạnh cả ba loại kỹ năng này.

Suy nghĩ cuối

Sự phát triển của mỗi người bị tác động bởi hoàn cảnh, môi trường và điều kiện khác nhau. Chính vì thế sẽ không tồn tại một công thức đúng cho tất cả mọi người. Nhưng nếu chúng ta có thể khái quát hóa và hiểu đâu là những yếu tố có thể điều chỉnh, thì một lúc nào đó sẽ tự tìm được con đường phù hợp cho bản thân mình.


(Bài viết tóm tắt podcast "Chọn học gì khi có quá nhiều thứ để học?", bạn có thể truy cập podcast tại YouTube để nghe đầy đủ nội dung chia sẻ thêm về phương pháp thiết lập mục tiêu, giúp hoàn thành kế hoạch, có tên D.R.E.A.M của tác giả Hoàng Nguyễn).